Kế đến, chi thể Đấng Christ là lẽ mầu nhiệm và là một tổng thể hữu cơ sống động bày tỏ đặc tính thứ hai quan trọng của cộng đồng niềm tin.

2. Một Cộng Đồng (Người) Thánh. Thật cao trọng, thật vĩ đại, và thật mầu nhiệm! Cộng đồng người thánh “ở thành Cô-lô-se?” Một cộng đồng tập hợp những con người sống động, có tên, có tuổi, có số nhà, có công ăn việc làm, có gia đình, và dĩ nhiên tất cả đều có một quá khứ. Những người nầy sau khi tiếp nhận Cứu Chúa Jesus Christ họ trở nên một phần tử thánh trong một cộng đồng (người) thánh!
Kinh Thánh không bày tỏ hoặc miêu tả chi tiết từng cá nhân trong cộng đồng người thánh “ở thành Cô-lô-se,” nhưng chắc rằng chỉ có tội nhân mới đến và tin nhận Chúa Jesus Christ mà thôi! (Rô-ma 3:10-18, 23) Một cộng đồng người tin Chúa Jesus “ở thành Cô-lô-se” chắc chắn cũng có những con người họ có những quá khứ tương tự như những người trước khi gặp Chúa được Kinh Thánh ghi lại – trước khi được Đức Chúa Trời kêu gọi – cụ thể như Sau-lơ, như người đàn bà Sa-ma-ri, như Ma-thi-ơ, như Xa-chê, như Phi-lê-môn; như những người bị mù, như những người bị câm, như những người bị liệt, như những người bị quỷ ám, và cũng như chúng ta ngày nay!

Xin mời Quý vị hãy “suy xét rằng ở giữa anh em là kẻ đã được gọi, không có nhiều người khôn ngoan theo xác thịt, chẳng nhiều kẻ quyền thế, chẳng nhiều kẻ sang trọng.” (1 Cô-rinh-tô 1:26, xem thêm từ 27-31)
Chữ “thánh” thường khiến Cơ-Đốc-Nhân thành kiến liên hệ đến những khái niệm hoặc hình ảnh không có căn cản của Kinh Thánh; và những khái niệm hoặc hình ảnh nầy dành cho người đặc biệt được một hội đồng giáo phẩm “phong thánh,” hoặc “liệt vào hàng các thánh.” Cụ thể theo bày tỏ dựa trên Lời Kinh Thánh, chữ “thánh” dùng cho những tội nhân trước đây có một quá khứ, nhưng sau khi tin nhận Chúa Jesus làm Chúa làm Chủ cuộc đời, họ có một bắt đầu mới, một nếp sống mới, và một mục đích mới cho cuộc đời mới. (2 Cô-rinh-tô 5:17)
Khái niệm “thánh” được bày tỏ trong Kinh Thánh Cựu Ước và Lời Chúa tương phản “người thánh” với “kẻ ác.” (1 Sa-mu-ên 2:9) Dân sự Đức Giê-hô-va và sự thờ phượng được chia ra làm 2 thành tố rõ rệt: “những thầy tế lễ Chúa,” và “các thánh đồ Chúa.” (2 Sử Ký 6:41b) Điều nầy không có nghĩa “các thánh đồ Chúa” là một giới có địa vị “thấp hơn” so với “thầy tế lễ Chúa.” Thưa không! Trái lại “các thánh đồ Chúa” là những người đồng tế với “những thầy tế lễ Chúa,” khiến cho sự thờ phượng Giê-hô-va Đức Chúa Trời được trọn vẹn. Amen!
Kinh Thánh bày tỏ tầm quan trọng của “các thánh đồ” là một phần quan trọng trong sự thờ phượng và hầu việc Đức Giê-hô-va. Thi Thiên 30:4, “Hỡi các thánh của Đức Giê-hô-va, hãy hát ngợi khen Ngài, cảm tạ sự kỷ niệm thánh của Ngài.” Ai là người hát ngợi khen Đức Giê-hôva? Ai nói lời chứng cảm tạ những kỷ niệm thánh của Ngài? Các thánh đồ có nếp sống được sự thăm viếng và biến đổi của Ba Ngôi Đức Chúa Trời!
Những “người thánh” không chỉ “thờ phượng,” hoặc “hát ngợi khen,” hoặc “nói lời chứng cảm tạ những kỷ niệm” của Đức Giê-hô-va trong nhà hội; nhưng họ còn SỐNG yêu mến Ngài và kính sợ Ngài! (Thi Thiên 31:23, 34:9) Do đó, “thánh đồ” không phải là khái niệm mới của Kinh Thánh Tân Ước, nhưng là bày tỏ mối liên hệ giữa Ba Ngôi Đức Chúa Trời thánh khiết với tuyển dân thánh của Ngài.
Kinh Thánh Tân Ước bày tỏ thể nào về “các thánh đồ?” Tôi có phải là “thánh đồ” của Đức Chúa Trời Ba Ngôi – Đức Chúa Cha, Đức Chúa Jesus, và Đức Thánh Linh?

Thân ái kính mời các Quý vị theo dõi tiếp tĩnh nguyện trong tuần tới!

Xin theo dõi tiếp lần tới . . .