PHẦN 10 – TĨNH NGUYỆN 2018

Trước khi trở lại Cô-lô-se 1:1b để nghiên cứu nội chứng của một Môn Đồ Chúa Jesus chúng ta tổng kết 3 đức tính Lời Kinh Thánh mạc khải chung về Môn Đồ Chúa Jesus như sau: (1) Trung tín, (2) sẵn sàng với Chúa Jesus 24/7, (thì giờ) và (3) có tấm lòng học hỏi để được huấn luyện và được biến đổi bởi Ngôi Lời và quyền phép Thánh Linh. (thay đổi)
Chúa Jesus không thể Môn Đồ Hoá một ai nếu họ (1) không có sự trung tín, hoặc (2) không dành thì giờ ưu tiên cho Chúa Jesus, hoặc (3) không muốn học, không muốn được dạy, hoặc không muốn được biến đổi theo thời gian. Những thầy tế lễ, thầy thông giáo, và nhất là người Pha-ra-si – đều tự hào rằng họ đã “biết đạo,” đã “đạt đạo” nên không có gì mới hoặc có gì thêm để học hoặc để cầu tiến. Hoặc cực kỳ hơn nữa, những người tôn giáo nghĩ rằng họ quá “cựu trào,” quá “cũ,” quá “xưa,” hoặc quá “già” – nghĩa là đã đi quá nhiều nơi, đã thấy quá nhiều điều, đã nghe quá nhiều chuyện, v.v., để cần được thay đổi, hoặc cần được tươi mới, hoặc cần được thích hợp theo ý muốn Đức Chúa Trời cho thực tại.
Chúng ta biết rõ con người và vạn vật trong thế gian đều chịu ảnh hưởng bởi thời gian, duy chỉ có Ba Ngôi Đức Chúa Trời: Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con, và Đức Thánh Linh – là Đấng duy nhất – không chịu ảnh hưởng thời gian. “Đức Chúa Jesus Christ hôm qua, ngày nay, và cho đến đời đời không hề thay đổi.” (Hê-bơ-rơ 13:8) Và Gia-cơ bày tỏ tương tự: “. . . trong Ngài chẳng có một sự thay đổi, cũng chẳng có bóng của sự biến cải nào.” (1:17)
Cuộc sống trần gian là một phương trình với biến số là thời gian. Con người và muôn vật thay đổi theo thời gian. Ví dụ, thể hình, tính tình, sở thích, tình cảm, tư duy, thái độ, v.v., chúng ta thay đổi theo thời gian. Thậm chí quần áo thay đổi theo thì tiết, thời trang, sở thích, v.v.. Ngoài ra, xe cộ, nhà cửa, thiết bị, dụng cụ, kiến thức, âm nhạc, nghệ thuật, kỹ thuật, giáo dục, văn hoá, xã hội, kinh thế, chính trị, quân sự, v.v., đều thay đổi! Theo quan điểm trần thế, không thích hợp, hoặc không thích nghi với biến đổi năng động của cuộc sống là người “lạc hậu,” không “thích thời,” nếu không muốn nói là “lập dị!”
Chúng ta có mâu thuẩn giữa 2 đức tính: (1) trung tín và (2) thay đổi không? Thưa không! Cả hai đức tính “trung tín” và “thay đổi” bổ sung và làm đầy đủ khiến cho Môn Đồ Chúa Jesus được gọi cách kính trọng và thân thương – “Ấy là ở thành An-ti-ốt, người ta bắt đầu xưng Môn Đồ là Cơ-rê-tiên.” (Công Vụ 11:26b) Cả 2 đức tính bổ ghé khiến Môn Đồ Chúa Jesus không phải là người “ù lì,” “ngồi một chỗ,” hoặc bị tê liệt.
Nhưng trái lại Môn Đồ Chúa Jesus bày tỏ một thực tại sống của một Môn Đồ sống đi theo một Đấng Sống Phục Sinh! Trung tín là những “hằng số,” trong khi thay đổi là những “ẩn số” hoặc “biến số.” Cụ thể, những hằng số của Cơ-Đốc-Nhân đó là: Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con, Đức Thánh Linh, Lời Kinh Thánh, những lẽ đạo, những tín lý của Tin Lành Chúa Jesus. Môn Đồ Chúa Jesus phải trung tín với những “hằng số” kể trên. Trong khi thay đổi là những “biến số,” hoặc những “ẩn số” bày tỏ theo thời gian.
Cụ thể, hành trình theo Chúa Jesus, nếp sống đạo, kinh nghiệm thờ phượng Chúa, và kinh nghiệm phục vụ của Môn Đồ Chúa Jesus không phải là một công thức, một chương trình điện toán, một tấm bản đồ, v.v., nhưng là một sự sống năng động. Mặc dù Môn Đồ Chúa Jesus ra khỏi Giê-ru-sa-lem nhiều lần, nhưng không có hành trình nào giống nhau. Mặc dù Môn Đồ Chúa Jesus giảng đạo nhiều lần, nhưng không kinh nghiệm hoặc kết quả giảng nào giống nhau. Mặc dù Môn Đồ Chúa Jesus đi cùng một quảng đường, nhưng hành trình với Đấng Sống mỗi lần có khác nhau. Mặc dù đọc một Lời Kinh Thánh, nhưng bày tỏ của Đức Thánh Linh cho mỗi lần đọc khác nhau tuỳ theo nhu cầu và con người. Thật lạ lùng! Thật vinh hiển!

Xin theo dõi tiếp lần tới . . .

PHẦN 9 – TĨNH NGUYỆN 2018

Lời Thánh Kinh bày tỏ cho Cơ-Đốc-Nhân chúng ta biết về định nghĩa và “nếp sống” của một Môn Đồ. Để dễ nhớ và gạn lọc lại những bày tỏ chi tiết của Kinh Thánh về Môn Đồ Chúa Jesus, chúng ta có thể tóm tắt những đặc tính quan trọng của một Môn Đồ Chúa Jesus như sau.
1. Trung tín. Trung tín có nghĩa gì? Trung tín có nghĩa thường xuyên, chuyên cần, bền chí, và chung thuỷ. Trung tín là một đức tính quan trọng của Cơ-Đốc-Nhân bày tỏ đức tính trước sau như một. (Ma-thi-ơ 24:13) Môn Đồ Chúa Jesus phải là người thường xuyên, chuyên cần, chung thuỷ, bền chí, và trung tín trong niềm tin và cuộc sống. (Khải Huyền 2:10)
Cơ-Đốc-Nhân là “nàng dâu” và Chúa Jesus là Chàng Rể; (2 Cô-rinh-tô 11:1, 2; Khải Huyền 21:9) và trong mối quan hệ nầy tính thường xuyên, chuyên cần, chung thuỷ, bền chí, và trung tín thật rất quan trọng. Cụ thể, nếu tình yêu không có sự thường xuyên, chuyên cần, chung thuỷ, bền chí, hoặc trung tín thì không một ai ưa thích hoặc ao ước tình yêu đó!
Về phương diện thương mãi ngày nay, có ai sẵn sàng buôn bán làm ăn với người không có chữ “tín” chăng? (1 Cô-rinh-tô 4:2) Một người hứa hẹn và không chung thuỷ hoặc không trung tín có ai dám “tin” không? Về phương diện lời nói, Môn Đồ Chúa Jesus phải là người giữ lời, dù phải trả một giá về sự trung tín trong lời nói! (Khải Huyền 2:13)
2. Thì giờ. Thì giờ là tiền bạc! Môn Đồ Chúa Jesus là người luôn luôn có thì giờ và sẵn sàng hiện diện với Chúa Jesus trong bất cứ hoàn cảnh nào! Mỗi người chúng ta trong thời đại nầy ai ai cũng bận rộn vì việc học, công ăn, việc làm, gia đình, tình cảm, v.v.. Mặc dù mỗi người chỉ có 24 tiếng đồng hồ một ngày như nhau, tuy nhiên Môn Đồ Chúa Jesus là người tạo thì giờ bằng cách sắp xếp thì giờ và sắp xếp thứ tự ưu tiên để sẵn sàng để được Chúa dạy dỗ và huấn luyện. (Ma-thi-ơ 6:33)
Nếu một người bận rộn với những công việc quan trọng của đời, hoặc của sinh hoạt hằng ngày của gia đình, v.v., để không có thì giờ cho Chúa Jesus và nếp sống tâm linh, thì đó là người chưa sẵn sàng để tiếp nhận sự huấn luyện và đào tạo của Chúa Jesus. (Ma-thi-ơ 8:21; Lu-ca 9:59) Chúng ta ngày nay không nhiều thì ít bị ảnh hưởng suy nghĩ của đời nầy. Sinh hoạt của chúng ta ngày nay thường được sắp xếp theo thời biểu. Tuy nhiên Môn Đồ Chúa Jesus luôn sẵn sàng có thì giờ để có cơ hội phục vụ. Theo bày tỏ của Kinh Thánh, người không có thì giờ là người lười biếng! (Châm Ngôn 22:13, 26:13)
3. Thay đổi. Thay đổi là một đặc tính quan trọng khác của Cơ-Đốc-Nhân. Thay đổi là tiên đề và hàm ý đầu tiên của sự cứu rỗi. Một người tin nhận Chúa Jesus vì ý thức muốn đời sống được thay đổi – không phải đến địa vị tốt hơn – đến địa vị tốt nhất! Từ một địa vị là “con cái Ma Quỷ” sang địa vị “con cái Đức Chúa Trời,” là một thay đổi rất lớn lao. (1 Giăng 3:10)
Thay đổi của một người trong Đấng Christ là một sự biến đổi mầu nhiệm bởi quyền phép Ngôi Lời Kinh Thánh và quyền phép Thánh Linh Đức Chúa Trời. Một sự biến đổi tâm linh, tư duy, suy nghĩ, thái độ, tình cảm, lời nói, việc làm, v.v., Sứ Đồ Phao-lô bày tỏ như sau: “Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới.” (2 Cô-rinh-tô 5:17) Một Cơ-Đốc-Nhân không chấp nhận thay đổi và không muốn được Lời Kinh Thánh và quyền phép Thánh Linh thay đổi là một người mâu thuẩn nhất trong thế gian.
Cơ-Đốc-Nhân cần phải có một quyết định: (1) chọn trung tín, (2) chọn dành thì giờ, và (3) chọn [muốn được] thay đổi – để được Chúa Jesus Môn Đồ Hoá!

Xin theo dõi tiếp lần tới . . .

PHẦN 8 – TĨNH NGUYỆN 2018

Như vậy, theo bày tỏ Lời Thánh Kinh, định nghĩa Môn Đồ Chúa Jesus là gì? Môn Đồ Chúa Jesus có những đặc tính gì? Và làm thể nào để một người trở nên Môn Đồ Chúa Jesus? Môn Đồ Chúa Jesus là học trò Chúa Jesus. (Ê-sai 50:4) Như thể nào là học trò Chúa Jesus?

1. Học trò Chúa Jesus là người được Chúa Jesus chỉ dẫn, được Chúa Jesus truyền kiến thức cho. (Ê-sai 8:16)
2. Kế đến học trò Chúa Jesus là người học tập Chúa Jesus và nghiên cứu Chúa Jesus. (Ê-sai 50:4) 3. Học trò Chúa Jesus là người được Chúa Jesus dạy bảo. (Ê-sai 54:13)
4. Học trò Chúa Jesus là người đi theo Chúa Jesus. [Ghi danh học Chúa Jesus] (Ma-thi-ơ 5:1)
5. Một khi nói đến “học và hành,” nói đến “thầy và trò,” nói đến “dạy và học,” v.v., chúng ta có hàm ý nói đến “trường học,” hoặc “trường phái,” hoặc “môn phái,” Và một khi nói đến hệ thống trường học, chúng ta nói đến “nội quy” lớp học, “nội quy” trường học, hoặc quy ước, hoặc kỷ luật nhằm giúp cho sự học và hành có kết quả tốt nhất. Do đó, học trò Chúa Jesus là người chịu phục dưới thẩm quyền Chúa Jesus. Một học trò phải chịu kỷ luật của thầy cô giáo, hoặc trường học, hoặc giáo trình; trong trường hợp Môn Đồ Chúa Jesus họ phải đầu phục thẩm quyền Chúa Jesus. (Ma-thi-ơ 8:21) Thẩm quyền Chúa Jesus còn được bày tỏ trên học trò Chúa Jesus trong Ma-thi-ơ 5:1 và 8:21.

Theo kinh nghiệm giáo dục của chúng ta, sự học thường xảy ra trong lớp học, qua sách vở, hoặc thỉnh thoảng qua những cuộc “dã ngoại,” hoặc “nội trú.” Sự học của loài người thường co cụm trong phòng học và trên trang giấy của sách vở, xa cách với thực tế đời sống; có tính cách lý thuyết và từ chương. Tuy nhiên Trường Chúa Jesus, giáo trình, và chương trình huấn luyện của Chúa Jesus hoàn toàn cấp tiến so với những chương trình giáo dục, huấn luyện, hoặc đào tạo của loài người.

Cụ thể, Chúa Jesus mang lớp học vào trong thế gian và cuộc sống thực tế mỗi ngày. Chương trình giáo dục, huấn luyện, và đào tạo Môn Đồ Chúa Jesus là một lẽ sống, một nếp sống, một thực tại của cuộc sống – chứ không chỉ là một triết lý sống. Trong những năm Ngài huấn luyện và đào tạo môn đồ, Chúa Jesus SỐNG với họ. Chúa Jesus ra bài làm, Chúa Jesus chấm điểm, Chúa Jesus dạy, Chúa Jesus nhận xét, Chúa Jesus thẩm định, Chúa Jesus thử nghiệm, Chúa Jesus minh hoạ, Chúa Jesus ăn, Chúa Jesus uống, Chúa Jesus nói, Chúa Jesus khóc, Chúa Jesus rầy, Chúa Jesus khuyên dỗ, Chúa Jesus nhịn nhục, Chúa Jesus tha thứ, Chúa Jesus yêu thương, Chúa Jesus lý luận, v.v., tất cả Chúa Jesus bày tỏ lý trí, tinh thần, tấm lòng, tâm linh, và xác thịt trong bối cảnh sống thực tế của con người!

Nói tóm lại Trường Chúa Jesus, học trình của Chúa Jesus, phương pháp dạy của Chúa Jesus, chương trình huấn luyện và đào tạo Môn Đồ của Chúa Jesus là một tiến trình lưu xuất sự sống của Chúa Jesus qua đến các Môn Đồ của Ngài! Sứ Đồ Phao-lô đã bày tỏ nguyên tắc đào tạo huấn luyện Môn Đồ Chúa Jesus cách gẫy gọn và rõ ràng trong 1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:8, “Vậy, vì lòng rất yêu thương của chúng tôi đối với anh em, nên ao ước ban cho anh em, không những Tin Lành Đức Chúa Trời thôi đâu, song cả đến chính sự SỐNG chúng tôi nữa, bởi anh em đã trở nên thiết nghĩa với chúng tôi là bao.”
Thật dễ dàng để “ban Tin Lành Đức Chúa Trời” trong lớp Trường Chúa Nhật, hoặc từ bục giảng! Thật khó khăn để SỐNG Tin Lành Đức Chúa Trời và bày tỏ Tin Lành đó cho người chung quanh! Ôi xin Chúa thương xót linh hồn chúng ta muốn sống đẹp lòng Chúa Jesus!

Xin theo dõi tiếp lần tới . . .

PHẦN -7 TĨNH NGUYỆN 2018

Đại Mạng Lệnh Chúa Jesus ký thác cho các Sứ Đồ, Môn Đồ, và người tin Chúa được ký thuật trong Ma-thi-ơ 28:18-20,
“Đức Chúa Jesus đến gần, phán cùng Môn Đồ như vầy: Hết cả quyền phép ở trên trời và dưới đất đã giao cho ta. Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhơn danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép Báp-têm cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi đều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế.”
Tin Lành Chúa Jesus được rao truyền từ Giê-ru-sa-lem, lây lan đến xứ Giu-đê, bành trướng đến xứ Sa-ma-ri, đến Âu Châu, đến Bắc Phi, và vượt Đại Dương đến Mỹ Châu; rồi Tin Lành tiếp tục được rao truyền đến Á Châu, và hiện nay gần đến cùng trái đất là do quyền phép của Ba Ngôi Đức Chúa Trời vận hành cách có quyền trong các Môn Đồ Chúa Jesus có đầy “lời của Đấng Christ trong lòng,” được sự hướng dẫn tể trị của Đức Thánh Linh, và họ ao ước “theo ý muốn Đức Chúa Trời” rao truyền Tin Lành và đào tạo Môn Đồ khắp nơi nơi! (Cô-lô-se 3:16)
Tin Lành đến Việt Nam nói riêng, và Tin Lành đến khắp mọi nơi trên thế giói nói chung, không phải vì nỗ lực con người, hoặc kết quả của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, hoặc vì sự phát triển của khoa học, kỹ thuật, văn hoá, chính trị, kinh tế, ngôn ngữ, hoặc quân sự, v.v., nhưng vì có những con người sẵn sàng đầu phục ý muốn Đức Chúa Trời; và “nhờ quyền phép vinh hiển Ngài, được có sức mạnh mọi bề, để nhịn nhục vui vẻ mà chịu mọi sự.” (Cô-lô-se 1:11)
Thành phần Ti-mô-thê là tập hợp tỉ lệ đa số của Hội Thánh; và là thành phần đóng góp quan trọng trực tiếp vào sự rao truyền và phát triển Tin Lành của Ba Ngôi Đức Chúa Trời. Chúng ta có thể tự trả lời câu hỏi: “tôi là ai?” “Tôi là Phao-lô hay tôi là Ti-mô-thê” không? Hoặc “tôi là các anh em” trong Đấng Christ chăng? Nếu không xác định được tôi là ai, thì điều yếu cần chúng ta phải ăn năn tội và cầu nguyện tiếp nhận Chúa Jesus vào đời sống cá nhân mình.
Khái niệm Môn Đồ không xa lạ đối với Cơ-Đốc-Nhân Việt Nam. Chữ “môn đệ,” hoặc “môn đồ” theo Tự Điển có nghĩa: “học trò của một bậc thầy.” Và khái niệm Môn Đồ cũng rất gần gũi và quen thuộc được bày tỏ trong Kinh Thánh.
Cụ thể, Kinh Thánh Cựu Ước Ê-sai 8:16 Giê-hô-va Đức Chúa Trời bày tỏ yếu tố căn bản đầu tiên của một Môn Đồ như sau: “Ngươi hãy gói lời chứng nầy, niêm phong luật pháp nầy trong môn đồ ta.” Và yếu tố căn bản thứ hai của một Môn Đồ bày tỏ trong Ê-sai 50:4 như sau: “Chúa Giê-hô-va đã ban cho ta cái lưỡi của người được dạy dỗ, hầu cho ta biết dùng lời nói nâng đỡ kẻ mệt mỏi. Ngài đánh thức ta mỗi buổi sớm mai, đánh thức tai ta để nghe lời Ngài dạy, như học trò vậy.” Và yếu tố cuối cùng của một Môn Đồ – theo mạc khải của Kinh Thánh – được bày tỏ trong Ê-sai 54:13, “Hết thảy con cái ngươi sẽ được Đức Giê-hô-va dạy dỗ, và sự bình an của con cái ngươi sẽ lớn.”
Kinh Thánh Tân Ước bày tỏ yếu tố quan trọng của Môn Đồ như sau. “Đức Chúa Jesus xem thấy đoàn dân đông, bèn lên núi kia; khi Ngài đã ngồi, thì các Môn Đồ đến gần.” (Ma-thi-ơ 5:1) Và “Lại một Môn Đồ khác thưa cùng Ngài rằng: Lạy Chúa, xin Chúa cho phép tôi về chôn cha tôi trước đã.” (Ma-thi-ơ 8:21) Liên hệ đặc biệt giữa các 12 Sứ Đồ và Chúa Jesus được bày tỏ trong Ma-thi-ơ 10:1; 11:1; 20:17.
Ngoài ra Giăng Báp-Tít cũng có Môn Đồ như được bày tỏ trong Ma-thi-ơ 9:14. Và ngay cả người Pha-ra-si cũng có nhiều Môn Đồ nữa, cụ thể được bày tỏ trong Ma-thi-ơ 22:16.
Quý vị là Môn Đồ của ai? Quý vị đang đi theo ai? Xin chúng ta đọc lại Cô-lô-se 1:1b và những câu Kinh Thánh Chúa đã mạc khải ở trên và tra xét tấm lòng mình để trả lời câu hỏi nầy. Xin mời chúng ta ăn năn đến với Chúa Jesus! “Chúa ôi, tôi lại ngay, nay tôi xin lại đây; xin huyết lưu nơi Gô-gô-tha làm tôi sạch trắng hơn ngà!” (Thánh Ca số 142) Amen! Amen! Amen!
Xin theo dõi tiếp lần tới . . .

PHẦN 6 – TĨNH NGUYỆN 2018

Cảm ơn Chúa đã cho chúng ta suy gẫm Cô-lô-se 1:1a trong thời gian qua. Hai câu Kinh Thánh đầu tiên của thơ Cô-lô-se được sắp xếp lại như trong trang 1 của bài tĩnh nguyện bày tỏ cho chúng ta một nhận xét tổng quát rõ ràng: (1) Quan hệ hữu cơ hàng dọc của chi thể Đấng Christ như sau: Đấng Christ → Sứ Đồ Phao-lô → Ti-mô-thê → các Anh Em trong Danh Chúa Cứu Thế Chúa Jesus. (2) Cấu trúc Hội Thánh Đức Chúa Trời có thứ tự và trật tự hẳn hoi. (3) Mỗi vai trò và trách nhiệm Đức Chúa Trời đặt để trong cấu trúc hữu cơ của Hội Thánh đều có một tiêu chuẩn nhất định và rõ ràng. (4) Giúp Cơ-Đốc-Nhân (a) trả lời: “Tôi là ai?” (b) Tránh mộng mị “tưởng mình là ai” khác, và (c) Và nếu có ai “mong được” trở nên giống như Sứ Đồ Phao-lô như chính Phao-lô bắt chước Chúa Jesus Christ, thì đó “là ưa muốn một việc tốt lành!” (1 Timô-thê 3:1; 1 Cô-rinh-tô 11:1)

Cơ-Đốc-Nhân ao ước muốn được trở nên giống Chúa Jesus là một ao ước cao trọng thiêng liêng! Cụ thể, “Môn Đồ không hơn thầy, tôi tớ không ơn chủ. Môn Đồ được như thầy, tôi tớ được như chủ, thì cũng đủ rồi!” (Ma-thi-ơ 10:24-25) Vấn đề hiện nay của Hội Thánh đó là CơĐốc-Nhân muốn làm bạn với đấng quyền thế sang trọng như vua Hê-rốt! Thay vì mặc chiếc áo của sự khiêm nhường và phục vụ, Cơ-Đốc-Nhân ngày nay muốn mặc những chiếc áo dạ hội đắt tiền và khêu gợi của đời!

Trước hết, chức vụ Sứ Đồ ngày nay không còn nữa như Sứ Đồ Phi-e-rơ bày tỏ trong Công Vụ 1:21-22. Tuy nhiên người hầu việc Chúa vẫn còn tiếp tục được Chúa đặt để trong Hội Thánh của Ngài; và Chúa vẫn còn tiếp tục kêu gọi con người “theo ý muốn Đức Chúa Trời” mà hầu việc Ngài cách trung tín ngày nay!

Người được Chúa kêu gọi là người được “ở cùng Ngài và sai đi giảng đạo.” (Mác 3:14) Điều nầy quá đơn giản và dễ hiểu đối với hầu hết mọi người chúng ta; đó là người hầu việc Chúa ngày nay phải ở cùng Chúa trong Lời của Ngài và ở dưới sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh. Tuy nhiên bày tỏ của Cô-lô-se còn cho Cơ-Đốc-Nhân chúng ta thấy trách nhiệm đào tạo nhân sự trong mối quan hệ hữu cơ của Hội Thánh Đức Chúa Trời. Khái niệm đào tạo và Môn Đồ hoá Cơ-Đốc-Nhân được Sứ Đồ Phao-lô bày tỏ rõ ràng hơn trong thơ tín mục vụ gởi cho Môn Đồ của Ông là Ti-mô-thê, “Vậy, hỡi con, hãy cậy ân điển trong Đức Chúa Jesus Christ mà làm cho mình mạnh mẽ. Những đều con đã nghe nơi ta ở trước mặt mọi nhiều người chứng, hãy giao phó cho mấy người trung thành, cũng có tài dạy dỗ kẻ khác.” (2 Ti-mô-thê 2:1-2)

Tiến trình đào tạo và Môn Đồ hoá “các anh em” trong 2 Ti-mô-thê 2:2 được bày tỏ như sau: Đức Chúa Jesus Christ → Sứ Đồ Phao-lô → Ti-mô-thê → mấy người trung thành → kẻ khác; và chu kỳ nầy cứ tiếp tiếp tục tiếp diễn từ ngày Chúa Jesus thi hành chức vụ cho đến ngày nay; và sẽ được tiếp tục cho đến ngày Chúa Jesus trở lại!

Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ vẫn tiếp tục rao truyền từ thời gian nầy cho đến thời gian khác, và từ không gian nầy cho đến không gian kia; và tiến trình cứ tiếp tục tiếp diễn! Ý tưởng đào tạo và môn đồ hoá “các anh em” được bày tỏ rõ ràng trong những lá thư Sứ Đồ Phao-lô viết gởi các Hội Thánh khác nhau có những vấn đề khác nhau.

“Phao-lô – Sứ Đồ của Đức Chúa Jesus Christ – theo ý muốn Đức Chúa Trời!” Phao-lô đã làm đúng ý theo mô thức của Đức Chúa Jesus Christ! Trong 4 sách Tin Lành đều ghi lại “mọi đều Đức Chúa Jesus đã làm và dạy từ ban đầu,” (Công Vụ 1:1) và tất cả đều ghi lại tiến trình đào tạo Môn Đồ của Chúa Jesus Christ. Chúa Jesus giảng đạo để Môn Đồ Hoá muôn dân! Chúa Jesus làm phép lạ để Môn Đồ Hoá muôn dân! Chúa Jesus thăm viếng để Môn Đồ Hoá muôn dân! Chúa Jesus đuổi quỉ trừ ma để Môn Đồ Hoá muôn dân!

Xin theo dõi tiếp lần tới …

PHẦN 5 – TĨNH NGUYỆN 2018

“Phao-lô – Sứ Đồ của Đức Chúa Jesus Christ – theo ý muốn Đức Chúa Trời.”

Sứ Đồ Phao-lô có thể trở thành một gỉảng sư, hoặc một giáo sư tiến sĩ thần học, tại một thần học viện nổi tiếng của Do Thái Giáo. Ông có thể trở thành một thành viên trọn đời của Hội Đồng Thầy Cả Thượng Phẩm Do Thái Giáo để có một căn nhà đẹp đẽ sang trọng, một gia đình hạnh phúc, và một đời sống sung túc dễ dàng với những phúc lợi sức khoẻ, lương bổng, và hưu bổng bảo đảm trọn đời. Sứ Đồ Phao-lô có thể viết nhiều sách giá trị về hệ thống kinh điển của Do Thái Giáo nghiên cứu về Tanakh, hoặc Talmud, v.v.. Sứ Đồ Phao-lô có thể là diễn giả chính và được mọi người ưa thích cho những hội đồng Do Thái Giáo hằng năm tại Giê-ru-sa-lem! Sứ Đồ Phao-lô có thể trở thành chuyên gia đầy đủ kinh nghiệm và tiên phong lãnh đạo sự bắt bớ chống “tôn giáo mới” của Chúa Jesus; và rất có thể Ông được quốc gia Do Thái ghi ơn nhớ công bằng cách vẽ hình tạc tượng là một trong những người có công bảo vệ Do Thái Giáo. Sứ Đồ Phao-lô có thể thành lập các chủng viện, các trường đại học, các trung tâm bồi linh, dưỡng linh Do Thái Giáo. Sứ Đồ Phao-lô có thể dâng hằng trăm triệu shekels cho chương trình chống đói giảm nghèo, chống nạn mù chữ; giúp đỡ chương trình chích ngừa phòng chống bệnh tật cho trẻ em người Do Thái. Quý vị có thể tưởng tượng hằng trăm hằng ngàn chuyện khác mà sự thông minh và tài năng của Sứ Đồ Phao-lô có thể làm được cho chính bản thân Ông và cho quốc gia Do Thái.

Nhưng “Phao-lô – Sứ Đồ của Đức Chúa Jesus Christ – theo ý muốn Đức Chúa Trời.”

Cách tự nhiên thông thường Cơ-Đốc-Nhân suy nghĩ cho rằng “theo ý muốn Đức Chúa Trời” ắt hẳn Đức Chúa Trời phải “biết điều” và “làm ơn” trao đổi thích đáng với sự “hy sinh” của Cơ Đốc-Nhân! Tuy nhiên đây chỉ là bày tỏ tự nhiên của một con người tự nhiên mà thôi. Thật dễ dàng khi Cơ-Đốc-Nhân sống “theo ý muốn Đức Chúa Trời” và được ban phước và mọi sự hanh thông dễ dàng! Nhưng cần phải có đức tin khi “theo ý muốn Đức Chúa Trời” và tiếp nhận nhiều điều “nghịch lý” và “mâu thuẩn” với suy nghĩ tự nhiên!

Bài học đầu tiên làm gương cho Cơ-Đốc-Nhân vâng phục và “theo ý muốn Đức Chúa Trời” đó là tấm gương và đời sống toàn hảo của Chúa Jesus Christ. Cuộc đời và chức vụ của Chúa Jesus Christ hoàn toàn làm theo ý muốn Đức Chúa Trời, Chúa Jesus “theo ý muốn Đức Chúa Trời” vâng phục Đức Chúa Cha cho đến giây phút cuối cùng trên thập giá năm xưa. “Song không theo ý muốn Con, mà theo ý muốn Cha.” (Ma-thi-ơ 26:39b)

Cảm tạ Ba Ngôi Đức Chúa Trời đời sống, sự vâng phục, và sự sẵn sàng trả giá của Sứ Đồ Phaolô sống“theo ý muốn” của Đức Chúa Trời được ký thuật trong Kinh Thánh cho Cơ-Đốc-Nhân suy gẫm và học đòi làm theo, cụ thể 2 Cô-rinh-tô 11:22-29.

Sứ Đồ Phi-e-rơ bày tỏ kinh nghiệm sẵn sàng trả lời và trả giá để sống “theo ý muốn Đức Chúa Trời” như sau: “Vì nếu ý muốn Đức Chúa Trời dường ấy, thì thà làm đều thiện mà chịu khổ, còn hơn làm đều ác mà chịu khổ vậy.” (1 Phi-e-rơ 3:17)

Và suy gẫm về hệ thống giá trị của niềm tin, Sứ Đồ Giăng bày tỏ: “Vả thế gian với sự tham dục nó đều qua đi, song ai làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời.” (1 Giăng 2:17)

“Ai là người sống mà sẽ chẳng thấy sự chết?” (Thi Thiên 89:48a) Câu hỏi không phải là “NẾU” chúng ta sẽ chết, nhưng chúng ta ai nấy lần hồi người trước kẻ sau sẽ gặp Đấng Tạo Hoá! Vấn đề đặt ra để chuẩn bị cho sự gặp gỡ Đức Chúa Trời nay mai đó là tìm biết “ý muốn Đức Chúa Trời” cho đời sống cá nhân mỗi chúng ta!

“Song ai làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời!” Amen!

Xin theo dõi tiếp lần tới …

PHẦN 4 – TĨNH NGUYỆN 2018

Chúng ta tiếp tục suy gẫm 6 chữ tiếp theo của Cô-lô-se 1:1, cụ thể:

Phao-lô
[Là (m)] Sứ Đồ của Đức Chúa Jesus Christ
theo ý muốn Đức Chúa Trời

“Theo ý muốn của Đức Chúa Trời,” hoặc “vâng lời Đức Chúa Trời” là khái niệm rất xa lạ đối với Cơ-Đốc-Nhân ngày nay. Như người đứng tại quầy xà lách ăn bao bụng, người tiêu thụ có quyền chọn lựa món rau ăn theo sở thích và thị hiếu cá nhân; tương tự Cơ-Đốc-Nhân ngày nay “tin” Chúa Jesus, có ngày có tháng “vào đạo,” và “có ngày nhận Lễ Báp Têm” để chứng minh; nhưng họ cũng chọn lựa lẽ đạo và tín lý để áp dụng – hoặc vâng lời – trong đời sống hằng ngày. Cụ thể, một người “tin” Chúa, “tin” sự cứu rỗi để được vào thiên đàng, v.v., nhưng không “tin” sự cầu nguyện, không “tin” sự lạc hiến, không “tin” trách nhiệm rao báo Tin Lành nhằm cứu rỗi linh hồn người chưa biết Chúa, v.v., và không chấp nhận Lời Kinh Thánh là căn bản duy nhất cho nếp sống tin kính!

Lắm khi Cơ-Đốc-Nhân “làm” hoặc không “làm” một điều gì dựa theo ý riêng, hoặc hoàn cảnh, môi trường, v.v., chứ không tìm kiếm sự hướng dẫn của Lời Kinh Thánh Chúa hoặc Thánh Linh Đức Chúa Trời. Một khi Cơ-Đốc-Nhân chọn lựa điều để “tin” và điều phù hợp với ý riêng cụ thể như: được hoặc thua, công sức và thu hoạch, lời hoặc lỗ, v.v., thì điều chúng ta “làm” chỉ là một sự tính toán hoặc trao đổi mang tính cách tôn giáo mà thôi. Thật đáng sợ khi Kinh Thánh bày tỏ, “khi Con Người đến, há sẽ thấy đức tin trên mặt đất chăng?” (Lu-ca 18:8a)

Giê-rê-mi 8:9b bày tỏ, “Chúng nó đã bỏ lời của Đức Giê-hô-va; thì sự khôn ngoan nó là thể nào?”

Trong thực tại cuộc sống, một Cơ-Đốc-Nhân có thể “làm” được nhiều điều tốt đẹp, hữu ích, và cao trọng cho Chúa, cho Hội Thánh, và cho thế gian. Chúng ta có hằng ngàn “nhu cầu” để dâng hiến, và có muôn vàn “cơ hội” để “hầu việc” Chúa, v.v.. Tất cả nhu cầu và cơ hội hầu việc Chúa cuối cùng dẫn đến một điểm duy nhất quan trọng: việc làm của Cơ-Đốc-Nhân có “theo ý muốn Đức Chúa Trời” không? Nếu không theo ý muốn Chúa, chắc rằng việc làm của Cơ-ĐốcNhân không có giá trị!

Tại sao điều nầy quan trọng? Tôi xin dùng một kinh nghiệm cuộc đời học trò năm xưa để minh hoạ. Thuở xưa khi đi học thầy giáo ra bài tập làm những bài toán số lẻ trong sách, nhưng vì sớn sác ngày hôm sau tôi nộp những bài toán số chẵn! Kết quả là gì? Tôi không nhận được điểm những bài làm đã mất công bỏ sức mày mò đêm hôm trước! Tại sao? Vì đó không phải là “ý” của thầy giáo! Và một phần có lẽ vì đáp số những bài toán số chẵn có in đằng sau sách chăng?

Chúa Jesus dạy dỗ, “Nếu ai hầu việc ta, thì phải theo ta, và ta ở đâu, thì kẻ hầu việc ta cũng sẽ ở đó; nếu ai hầu việc ta, thì Cha ta ắt tôn quí người . . . .” (Giăng 12:26) Đây là cách duy nhất để hầu việc Chúa! (Ma-thi-ơ 7:21-23)

Sứ Đồ Phao-lô không tự ý “làm” hoặc “tình nguyện,” hoặc “muốn giúp đỡ” Đức Chúa Jesus Christ để “[Làm] Sứ Đồ của Đức Chúa Jesus Christ.” Sứ Đồ Phao-lô được sự kêu gọi của Ba Ngôi Đức Chúa Trời và Phao-lô bằng lòng “theo ý muốn Đức Chúa Trời” mà vâng phục hầu việc Chúa! Do đó chức vụ của Sứ Đồ Phao-lô được phước, bình an mà chịu mọi sự cách vui vẻ (1:11, 24)

“Thánh khiết với tinh anh, khiêm cung thêm hiền lành, đoan trang theo mắt Chúa chưa?” (Thánh ca số 219) Tất cả mỹ đức trên đều cao trọng – nhưng theo ý muốn Chúa chưa?

Xin theo dõi tiếp lần tới …

PHẦN 3 – TĨNH NGUYỆN 2018

Nếu một người “là Sứ Đồ” chắc chắn phải “làm Sứ Đồ” bởi vì đó là bản chất tự nhiên của họ. Tuy nhiên, “làm Sứ Đồ,” thì chưa chắc người đó “là Sứ Đồ.” Hơn nữa “làm Sứ Đồ” nhưng không phải “là Sứ Đồ” liên hệ trầm trọng đến vấn đề đạo đức.

Có một cách biệt rất lớn giữa một hành động và tấm lòng của một người; điều ngày nay chúng ta gọi là động cơ thúc đẩy con người. Chúa Jesus giảng sự cứu rỗi duy bởi đức tin đặt để nơi Ngài là phương tiện duy nhất để tội được tha linh hồn được cứu; và Chúa dạy vấn đề đạo đức rất rõ ràng khi Ngài thi hành chức vụ. Cụ thể, trong bài giảng về Luật Pháp Nước Trời, Chúa Jesus bày tỏ đạo nghĩa Cơ Đốc như sau: “Chẳng phải hễ những kẻ nói cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, thì đều được vào nước thiên đàng đâu; nhưng chỉ kẻ làm theo ý muốn của Cha ta ở trên trời mà thôi.” (Ma-thi-ơ 7:21) Và trước khi kết luận bài giảng Chúa Jesus bày tỏ người “làm tôn giáo” là “kẻ làm ác!” (7:23) Chúa Jesus có nặng lời với những người “làm tôn giáo” không? Thưa không! Khi giảng dạy về Luật Thẩm Quyền, Chúa Jesus so sánh dạy dỗ tôn giáo của con người với Đạo Đức Nước Trời như sau: “Hễ ai giận anh em mình thì đáng bị toà án xử đoán; ai mắng anh em mình rằng: Ra-ca, thì đáng bị toà công luận xử đoán; ai mắng anh em mình là đồ điên, thì đáng bị lửa địa ngục hành phạt.” (Ma-thi-ơ 5:21-22)

Một người “làm tôn giáo” có thể vì lợi nhuận cá nhân. Cụ thể, Si-chem vì muốn cướp nàng Đina nên đã không ngần ngại “chịu phép cắt bì.” (Sáng Thế Ký 34:19) Trong thời Tân Ước cũng có người muốn “làm tôn giáo” như thời xưa. Cụ thể, Thầy Trai Trẻ Giàu Có, đã “làm” ra vẻ đạo cao đức trọng tôn giáo để mọi người khâm phục; Thầy Trai Trẻ Giàu Có “làm” – có nghĩa Thầy chưa bị kết án – được một số các điều răn như: không phạm tội, không giết người, không trộm cướp, không làm chứng dối, không làm gian, và “làm” một số hiếu thảo với cha với mẹ. Sau khi “làm” được những điều kể trên – tương tự như số đông những người đạo đức khác trong thế gian không có tôn giáo cũng làm được – Thầy muốn “làm” thêm, và bày tỏ với Chúa Jesus: “tôi phải làm chi” nữa?

Thầy Trai Trẻ Giàu Có chỉ có trình độ tôn giáo đến mức độ biết “làm điều răn” của tôn giáo; nhưng rất tiếc Thầy không biết những điều mặc dù Thầy không “làm” nhưng trong tư tưởng và thái độ của Thầy đối với Đức Chúa Trời thánh khiết những điều đó là tội. Cụ thể, “Tư tưởng ngu dại là tội lỗi!” (Châm Ngôn 24:9a) Và “Hễ ai ngó đờn bà mà động tình tham muốn, thì trong lòng đã phạm tội tà dâm cùng người rồi!” (Ma-thi-ơ 5:28)

Do đó, Chúa Jesus cách yêu thương bày tỏ cho Thầy Trai Trẻ Giàu Có biết điều Thầy “làm” chỉ có thể làm đến một mức độ nào đó trong hữu hạn của một người tôn giáo; nhưng Thầy không phải là [người tôn giáo] yêu thương! (Mác 10:17-22)

Thầy Trai Trẻ Giàu Có cùng những người tôn giáo Pha-ra-si thời bấy giờ bị Chúa Jesus lên án rất nặng nề: “Dân nầy lấy môi miếng thờ kính ta; nhưng lòng chúng nó xa ta lắm. Sự chúng nó thờ lạy ta là vô ích, vì chúng nó dạy theo những điều răn mà chỉ bởi người ta đặt ra.” (Ê-sai 29:13; Ma-thi-ơ 15:8, 9) Những người “làm tôn giáo,” họ “làm” rất hấp dẫn và được khen ngợi!

Chúng ta chọn lựa điều gì? “Làm,” hoặc “là?” “Làm Cơ-Đốc-Nhân,” hoặc chúng ta “là CơĐốc-Nhân?” Thưa cả hai! Chúng ta là Cơ-Đốc-Nhân và chúng ta SỐNG Cơ-Đốc-Nhân!

Những suy nghĩ nầy khiến chúng ta tra cứu và khám phá những bản Kinh Thánh khác, những dòng chữ đầu của thơ CÔ-LÔ-SE viết: “Phao-lô – Sứ Đồ của Đức Chúa Jesus Christ.”

Cậy ơn Chúa chúng ta sẽ suy gẫm tiếp 6 chữ kế tiếp của Cô-lô-se 1:1 trong những ngày tới!

Xin theo dõi tiếp lần tới …
 
 
 

PHẦN 2 – TĨNH NGUYỆN 2018

Sứ đồ là chức vụ như thể nào? Tổng quát, Sứ Đồ có nghĩa là người được sai đi với một sứ điệp đặc biệt, hoặc người thi hành một nhiệm vụ, một phận sự, hoặc một mệnh lệnh đặc biệt. Cụ thể, trong Kinh Thánh Cựu Ước Hy-lạp chữ Sứ Đồ được bày tỏ: “Ta chịu sai báo cho người một tin dữ,” (1 Các Vua 14:6) và “. . . sai sứ vượt biển, cỡi thuyền bằng lau đi trên mặt nước! Hỡi các sứ giả nhặm lẹ kia, dãy đi đến nước người cao da mởn, . . .” (Ê-sai 18:2) Trong Kinh Thánh Tân Ước chữ Sứ Đồ cũng được bày tỏ, cụ thể Giăng 13:16: “Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, đầy tớ chẳng lớn hơn chủ mình, sứ giả cũng chẳng lớn hơn kẻ sai mình.” Và 2 Cô-rinh-tô 8:23 Sứ Đồ Phao-lô bày tỏ, “Ấy vậy, nói vế Tít, thì là bạn bè tôi, và là người cùng làm việc với tôi ở nơi anh em; còn như hai anh em kia, là sứ giả của các Hội Thánh, tức là sự vinh hiển của Đấng Christ.” Ý nghĩa Sứ Đồ cũng được bày tỏ trong Phi-líp 2:25: “Trong khi chờ đợi, tôi tưởng cần phải sai Ép-ba-phô-đích, anh em tôi, bạn cùng làm việc [sứ giả] và cùng chiến trận với tôi, đến cùng anh em, người cũng là ủy viên của anh em ở kề tôi, đặng cung cấp mọi sự cần dùng cho tôi vậy.” Hê-bơ-rơ 3:1 gọi Chúa Jesus Christ là “sứ giả và thầy tế lễ thượng phẩm mà chúng ta tin theo.”

Sứ Đồ Phao-lô mạnh mẽ tuyên bố Ông là sứ giả được Đức Chúa Trời sai đi với một sứ điệp cụ thể và một sứ vụ rõ ràng. (Ga-la-ti 1:1, Rô-ma 1:1, 1 Cô-rinh-tô 15:1)

Chúa Jesus kêu gọi 12 Sứ Đồ danh tánh được liệt kê trong Ma-thi-ơ 10:1-4. Chúa Jesus kêu gọi 12 Sứ Đồ cách cụ thể để họ: “ở cùng Ngài và sai đi giảng đạo.” (Mác 3:14) Sứ Đồ Phao-lô được Chúa kêu gọi đặc biệt khi Ông “chém giết Môn Đồ của Chúa không thôi” và trên đường đến thành Đa-mách, Chúa Jesus đã bắt phục và kêu gọi Phao-lô “để đem danh ta đồn ra trước mặt các dân ngoại, các vua, và con cái Y-sơ-ra-ên.” (Công Vụ 9:1-19, 9:15) Và Sứ Đồ Phao-lô cũng có những thời điểm “ở cùng” Chúa trong những không gian và thời gian khác nhau, và Chúa đã chuẩn bị Phao-lô để “rao truyền Con đó ra trong người ngoại đạo.” (Ga-la-ti 1:11-2:1)

Ngày nay Hội Thánh không còn Sứ Đồ nữa bởi vì những tiêu chuẩn Phi-e-rơ bày tỏ trong Công Vụ 1:21-22 như sau: (1) Sứ Đồ là những người được Chúa Jesus kêu gọi và tiếp nhận sứ điệp và sứ vụ trực tiếp từ Ngài để đi giảng đạo. (2) Sứ Đồ là những người “ở cùng” Chúa Jesus trong khoảng thời gian Chúa thi hành chức vụ trên đất, cụ thể, “từ khi Giăng làm phép Báp-têm cho đến ngày Ngài được cất lên khỏi giữa chúng ta.” Cuối cùng – nhưng quan trọng nhất (3) Sứ Đồ phải là nhân chứng “sự Ngài sống lại” của Chúa Jesus cùng với các Sứ Đồ và những người dân đông thời bấy giờ! “Phải có một người làm chứng cùng chúng ta về sự Ngài sống lại.” Amen!

Kinh Thánh Việt ngữ chúng ta bày tỏ một điểm đặc biệt của ngôn ngữ rất thích thú như sau: “Phao-lô làm Sứ Đồ của Đức Chúa Jesus Christ.” Câu hỏi đặt ra ở đây đó là: “Phao-lô [là] Sứ Đồ của Đức Chúa Jesus Christ;” hoặc “Phao-lô [làm] Sứ Đồ của Đức Chúa Jesus Christ?” Ở đây chúng ta không tìm kiếm sự thảo luận liên quan đến vấn đề ngôn ngữ – vì đó không phải là mục đích của chúng ta – tuy nhiên chúng ta đề cập đến điều – tôi cho là ơn thần hựu của Chúa tể trị – để Cơ-Đốc-Nhân Việt Nam được một bài học thuộc linh hấp dẫn.

Có sự khác biệt rất lớn giữa 2 động từ “làm” và “là” trong Việt ngữ của chúng ta. Động từ “làm” theo định nghĩa – bày tỏ một hành động. Ví dụ, làm một công việc, thi hành một mệnh lệnh, cử hành một lễ, hoặc hoàn thành một nhiệm vụ. Tuy nhiên động từ “là” – một động từ đặc biệt – bày tỏ một trạng thái, một tình trạng, một chế độ, một đạo đức, một đặc trưng, một thái độ, một quan điểm, một định hướng, v.v.. Ngôn ngữ luôn có giới hạn của ngôn ngữ; duy chỉ có Ngôi Lời là vô hạn mà thôi! Amen!

Có thể nào một người “làm Sứ Đồ” mà không cần “là Sứ Đồ?” Hoặc có thể nào một người “là Sứ Đồ” mà có thể không “làm Sứ Đồ?” Điều nầy có thể xảy ra không?

Xin theo dõi tiếp lần tới . . .

PHẦN 1 – TĨNH NGUYỆN 2018

CÔ-LÔ-SE 1:1-2
Câu 1
Phao-lô
làm Sứ Đồ của Đức Chúa Jesus Christ
theo ý muốn Đức Chúa Trời
và [cùng]
Ti-mô-thê
là anh em
ở thành Cô-lô-se
người thánh

trung tín

Câu 2
[gởi cho]
Các anh em
trong Đấng Christ
[nguyền xin]
ân điển anh em [được]

bình an
ban cho bởi Đức Chúa Trời là Cha chúng ta
___________________________________________________
Trong thơ Sứ Đồ Phao-lô viết gởi tín hữu Hội Thánh Cô-lô-se có đề cập 3 thành phần: (1) Phaolô, (2) Ti-mô-thê, và (3) Các anh em. Điều nầy có thể trở nên quá bình thường trong phần mở đầu một bức thư Sứ Đồ Phao-lô gởi cho những Hội Thánh khác nhau. Nhưng nếu suy gẫm kỹ lưỡng chúng ta sẽ khám phá những áp dụng cụ thể vào nếp sống đạo Cơ-Đốc-Nhân cách rất tốt đẹp và giá trị.

Trước hết, Cơ-Đốc-Nhân phải ý thức “mình là ai.” “Tôi là ai?” Phao-lô, Ti-mô-thê, hoặc các anh em trong Đấng Christ là danh từ riêng và danh từ chung của những con người thật nhằm bày tỏ những vai trò và trật tự trong cấu trúc của Hội Thánh Đức Chúa Trời.

“Tôi là ai?” “Tôi tưởng tôi là ai?” và “Tôi muốn trở thành ai?” là ba bày tỏ khác biệt một cách quan trọng về một con người. Ba khác biệt kể trên bày tỏ những tiêu chuẩn được bày tỏ rõ ràng trong Kinh Thánh.

Phao-lô là một Sứ Đồ của Đức Chúa Trời bởi vì Ông là người được Chúa kêu gọi. (c. 1a)

Xin theo dõi tiếp ngày mai . . .